Nghe Playlist Của Bạn

QUẢNG CÁO

Có hay ko múa trong ca trù

Vừa qua, Viện Âm nhạc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho chủ trì Hội thảo khoa học cấp quốc gia: Múa trong Ca trù. Đây là hội thảo có tính chất chuyên sâu về một bộ phận nằm trong chỉnh thể của văn hóa - nghệ thuật Ca trù. Mục đích của hội thảo là nhằm tập trung trí tuệ của các nhà khoa học, qua đó cùng nhau nghiên cứu thảo luận, hướng tới khẳng định một cách khoa học những vấn đề có liên quan tới Múa trong nghệ thuật Ca trù nhằm phục vụ cho hồ sơ quốc gia Hát Ca trù người Việt đệ trình Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc công nhận Ca trù Việt Nam là kiệt tác di sản truyền khẩu phi vật thể của nhân loại (nay là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, theo tiêu chí và công ước mới của Quốc tế).

Nhiều chuyên gia khẳng định có múa trong ca trù

Những tham luận có tính chất sâu rộng được đưa ra từ phía các nhà khoa học, phần lớn đều khẳng định trong Ca trù có Múa. TS. Nguyễn Xuân Diện (Viện Nghiên cứu Hán - Nôm) trên cơ sở nguồn tư liệu chính sử được mô tả cũng như được ghi chép trong các thư tịch cổ và các sách đã cho thấy Múa là một bộ phận cấu thành nghệ thuật và
văn hóa Ca trù. Ngoài bảng thống kê 19 điệu múa được ghi nhận trong thư tịch cổ, tác giả còn chỉ rõ thêm tên của một số điệu múa trong các công trình nghiên cứu trước đây như Việt Nam Ca trù biên khảo (1962), Tuyển tập thơ Ca trù (1978), trong đó ghi nhận các làn điệu múa Đại thạch, múa Bỏ bộ và múa Bài bông. Cùng với những tư liệu sưu tầm được trong các sách và thư tịch cổ Hán - Nôm, TS. Nguyễn Xuân Diện còn sưu tầm và đưa ra 10 hình ảnh có liên quan tới múa trong Ca trù. Đây là nguồn tư liệu ảnh được chụp vào những thế kỷ trước, chủ yếu vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX, nửa đầu thế kỷ XX bởi tác giả người nước ngoài. Trong 10 bức ảnh đó, có 2 bức chụp lại từ tư liệu khảo cổ học, từ những bức chạm khắc trên chất liệu gỗ có vào khoảng thế kỷ XVIII. Những tấm ảnh này khi chụp không có chú thích rõ ràng về điệu múa các đào nương đang trình diễn, nhưng được coi là những tư liệu có giá trị, là những thông tin cần thiết góp phần vào việc xác định sự tồn tại của múa trong Ca trù.

Nguồn tư liệu để khẳng định múa có trong Ca trù không những được mô tả và ghi chép trong các sách, mà còn hiện diện thực tế tới ngày nay trong trí nhớ của một số đào nương hiện còn minh mẫn, những người đã từng trực tiếp múa và hát Ca trù trước đây, như nghệ nhân - nghệ sĩ ưu tú Phó Thị Kim Đức, 78 tuổi (Hà Nội), hoặc đã từng vào hát múa Ca trù trong cung đình Huế như nghệ nhân Nguyễn Thị Mơn, 87 tuổi (Hà Tĩnh), hay được lưu truyền trong gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê, hậu duệ 7 đời Ca trù của một gia đình họ Nguyễn ở Hà Nội (nay là Câu lạc bộ Ca trù Thái Hà), v.v..

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan là người làm công tác nghiên cứu khoa học có kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu dân tộc nhạc học. Ông đã nhìn nhận và khẳng định sự có mặt của múa trong nghệ thuật Ca trù trên cả hai cơ sở là chính sử và “kho tư liệu sống” từ các nghệ nhân. Là người đã từng trực tiếp tham gia khảo cứu, điền dã nghệ thuật Ca trù tại các địa phương trên 17 tỉnh thành của cả nước, phục vụ cho hồ sơ quốc gia Hát Ca trù người Việt đệ trình tổ chức UNESCO, ông cung cấp hệ
thống tên gọi cũng như bài bản múa trong Ca trù và trình bày, phân tích mối quan hệ của nó với từng không gian và hình thức biểu diễn cụ thể trên cơ sở những tư liệu được cung cấp từ chính các nghệ nhân cao tuổi hiện còn sống tại các làng quê Việt nam trên địa bàn 17 tỉnh thành mà ông đã trực tiếp điền dã. Ông cho rằng đó là nguồn tư liệu đáng tin cậy, đồng thời khẳng định vai trò của các nghệ nhân trong phục hồi múa nói riêng, nghệ thuật Ca trù nói chung. Nhưng cũng không ít người còn hoài nghi!

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến chiếm đa số khẳng định sự có mặt của múa trong nghệ thuật Ca trù, còn có một số ý kiến trái chiều, không đồng tình, nhất quán với những khẳng định trên. Vấn đề được bắt đầu bằng tham luận của nhà nghiên cứu - phê bình múa Thái Phiên - Trưởng ban Lý luận Hội Nghệ sĩ Múa Việt nam. Ông cho rằng mình chưa từng được đọc cuốn sách nào nói tới múa trong Ca trù nên khó có thể khẳng định hoặc phủ định được có hay không múa trong Ca trù. Xuất phát từ quan
điểm này ông cho rằng nếu chúng ta chỉ muốn làm cho Ca trù “dễ xem”, mà cố trang điểm diêm dúa lòe loẹt bằng múa thì chắc chúng ta khó đạt được mục tiêu mong muốn.
NSƯT. Nguyễn Văn Quang lại nói rằng không dám viết tham luận cho hội thảo vì ông chưa bao giờ nghe thấy có múa trong Ca trù. Ông cũng nhấn mạnh rằng chúng ta không nên “hiện thực hóa” nghệ thuật Ca trù một cách sống sượng.

NSND. Chu Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam - thì thận trọng hơn khi phát biểu ý kiến trước hội nghị. Bà chỉ dừng lại ở việc nhận lời trước hội thảo rằng Hội Nghệ sĩ Múa sẽ bàn thêm và sớm có những ý kiến, quan điểm bổ sung vào những vấn đề có liên quan tới múa trong Ca trù trong thời gian gần nhất. Song ở đây, hội thảo cũng bước đầu nhận thấy rằng bà đã tỏ ra rất ủng hộ vấn đề nêu ra sau bài tham luận của nghệ nhân.

NSƯT. Kim Đức với điệu múa Bài bông của nghệ thuật Ca trù mà bà đã nhớ và phục dựng thành công. Từ vấn đề này, vô hình chung, bà đã gián tiếp khẳng định sự có mặt của múa trong Ca trù.

Vậy sẽ còn tiếp tục khảo cứu thêm . . .

Mặc dù hội thảo chưa có những kết luận đi đến thống nhất cuối cùng, song cũng là điều kiện và là một hướng quan trọng mở đường cho Hội đồng khoa học - những người lập hồ sơ quốc gia về Ca trù đệ trình tổ chức UNESCO - một sự lựa chọn đúng đắn nhất khi quyết định những bước tiếp theo của bộ hồ sơ quốc gia Hát Ca trù người Việt.

Nguồn : Tạp chí Âm nhạc Việt Nam

 
+ Các bản tin khác
     - "Nhịp điệu Xuân" tháng 4 tại Hà Nội
     - “Nhịp điệu xuân” sự hòa hợp giữa xẩm và rock.
     - Tổng hợp tình hình hoạt động của các chi hội phía Nam
     - Chi hội NS Việt Nam tỉnh Lâm Đồng tổ chức đại hội nhiệm kỳ III
     - Ấm áp đêm “Ngọc Trai Đỏ”
     - Lễ ra mắt chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Đồng Nai
     - Đại hội thành lập Chi hội Nhạc sĩ Việt nam tỉnh Bắc Ninh
     - Chương trình biểu diễn nghệ thuật “nhịp điệu xuân” ngày 2,3/4/2009 tại nhà hát lớn Hà Nội
     - Liên hoan âm nhạc khu vực Bắc miền trung lần II tại TP Vinh từ 19 đến 22 tháng 2 năm 2009
     - Giải thưởng Hội NSVN năm 2008
 

THÀNH VIÊN

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:

MỚI CẬP NHẬP

Xem Tiếp...